Nhắc đến tết là nhắc đến muôn vàn loại bánh kẹo mứt đặc trưng của từng vùng. Đối với các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Cao Bằng thì bánh khảo nhân đậu xanh là món không thể thiếu. Người dân tự tay làm để vừa ăn vừa mời khách đến thăm nhà. Hương vị ngọt ngào, thơm ngon của bánh chắc chắn khiến nhiều thực khách hài lòng. Bạn cũng có thể tự tay làm và thưởng thức món bánh này ngay tại nhà sau khi tham khảo bài viết dưới đấy của giavi.net.
Nguồn gốc, đặc điểm và hương vị của món bánh khảo đậu xanh
Nếu với người Kinh, bánh chưng bánh tét là đặc trưng của ngày Tết thì với người Tày là món bánh khảo. Món bánh này có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng, cứ mỗi độ hai mấy tháng chạp là người dân vùng cao lại náo nức làm bánh khảo để chuẩn bị Tết Nguyên Đán. Đây là phong tục đã có từ lâu đời rồi, là cách mà các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau chuẩn bị đón Tết. Thưởng thức món bánh khảo ngọt ngào đầu năm được người Tày xem như là một sự may mắn và phước lộc cho năm mới.
>>> Có thể bạn muốn biết: Chi tiết cách làm bánh lá răng bừa thơm ngon đúng vị – Gia Vị Cho Bữa Cơm Gia Đình Bạn
Bánh được làm chủ yếu từ bột nếp và đậu xanh, hai nguyên liệu nổi tiếng thơm ngon tại các tỉnh miền núi. Vị ngọt thơm nhẹ nhàng, từng miếng bánh mềm mại khiến người ăn cảm nhận được sự tinh túy trong từng công đoạn chế biến. Mỗi sớm mùa xuân trời se lạnh, ngồi ăn bánh khảo, uống một tách trà nóng, hàn huyên với khách đến chơi thì còn gì bằng.
Một vài điều lưu ý khi làm bánh khảo nhân đậu xanh
Để có một món bánh khảo thơm ngon và chuẩn vị miền Bắc, sẽ có một vài điều mà bạn cần lưu ý khi làm bánh như sau:
- Khi làm nhân đậu xanh, bạn xay đậu càng nhuyễn thì bánh càng ngon. Trường hợp không có máy xay thì bạn phải chịu khó tán nhuyễn bằng muôi thật kỹ để cho hạt đậu hoàn toàn nhuyễn ra. Nếu nhân đậu xanh không nhuyễn thì khi làm bánh sẽ dễ bị vụn, phần nhân bánh và bột bánh cũng khó kết dính.
- Khi sên đậu xanh, chỉ nên để lửa liu riu, mặc dù sẽ mất thời gian hơn một chút nhưng sẽ giúp phần nhân được mịn, dẻo và thấm đều hơn.
- Nếu bạn muốn gói bánh sau khi làm xong thì nên để nguội và khô hoàn toàn rồi mới bắt đầu gói, như vậy sẽ bảo quản bánh được lâu hơn.
- Nếu bạn không thích ăn ngọt quá thì có thể gia giảm lượng đường cho vừa với khẩu vị của mình nhé.
>>> Bài viết liên quan: Hướng dẫn làm bánh hồng Bình Định với 5 bước đơn giản – Gia Vị Cho Bữa Cơm Gia Đình Bạn
Bánh khảo là một nét đẹp truyền thống được người Tày lưu giữ như một bản sắc văn hóa ngày Tết. Bánh khảo ngon mềm, thơm và ngọt chắc chắn sẽ khiến các thành viên trong gia đình bạn yêu thích. Hy vọng những hướng dẫn và công thức trên sẽ giúp bạn có một món bánh đặc biệt cho cả nhà cùng thưởng thức.
Cách làm bánh khảo nhân đậu xanh thơm ngon tại nhà vô cùng đơn giản
Print RecipeNguyên Liệu
- Đậu xanh 300 gram
- Bột gạo nếp 500 gram
- Nước lọc 150ml
- Đường cát trắng 500 gram
- Nước hoa bưởi 2 thìa cà phê
- Mứt bí 100 gram
- Nước cốt chanh 1/4 thìa cà phê
Hướng dẫn nấu
Bánh khảo là món bánh yêu thích của nhiều người, đặc biệt là ở miền Bắc. Với cách làm không khó, các công đoạn cũng khá đơn giản, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây để thực hiện theo nhé.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu để làm bánh khảo
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cần thiết rồi thì bạn bắt tay vào sơ chế nguyên liệu làm bánh thôi.
Đậu xanh khi mua về, bạn đem vo sạch với nước, nên mua loại đã đãi vỏ sẵn cho dễ. Sau đó thì ngâm với nước khoảng 3 – 4 tiếng, có thể ngâm với nước nóng để đậu nở nhanh hơn. Còn mứt bí thì bạn đem cắt nhỏ như hạt lựu là được. Bước sơ chế như vậy là xong.
Bước 2: Làm nhân đậu xanh cho bánh khảo
Đây là bước khá quan trọng quyết định đến độ thơm ngon của món bánh. Đồng thời, phần nhân được làm đúng cách cũng sẽ giúp miếng bánh trông đẹp mắt hơn.
Đậu xanh sau khi ngâm xong thì bạn vớt ra, cho vào nồi nấu hoặc hấp chín, cũng có thể dùng nồi cơm điện cho tiện. Đậu chín rồi thì cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, nếu không có máy xay thì bạn có thể dùng thìa hoặc muôi tán cho đến khi đậu nhuyễn ra.
Tiếp đến, bạn bắc một cái chảo lên bếp, cho đậu xanh và 300 gram đường vào sên đều. Đến khi thấy đậu xanh đặc lại, không còn dính chảo nữa thì bạn cho mứt bí đã cắt sẵn vào rồi tiếp tục trộn đều. Khoảng 2 – 3 phút sau thì tắt bếp. Như vậy là đã chuẩn bị xong phần nhân cho bánh, tiếp đến là làm phần bột bánh.
Bước 3: Làm bột bánh khảo với đường
Sở dĩ có cái tên gọi bánh khảo là bởi vì cả phần nhân bánh và bột bánh đều khảo với đường. Để có lớp bột bánh ngon thì bạn cần thực hiện các bước sau:
- Đầu tiên, bạn bắc một cái chảo lên bếp, chờ cho nóng chảo rồi thì cho bột nếp vào và đảo đều tay. Đến khi thấy bột nếp bắt đầu dậy mùi thơm thì tắt bếp. Sau đó đổ bột ra một cái âu hay cái chậu lớn.
- Tiếp đến, bạn lại bắc chảo lên, cho lượng đường còn lại và 150ml nước đã chuẩn bị vào đun sôi lên. Bạn dùng muôi khuấy đều cho đến khi đường ngả màu vàng cánh gián và đặc sánh lại. Lúc này bạn bắt đầu cho nước cốt chanh và nước hoa bưởi vào khuấy đều cho sôi lên lại thì tắt bếp.
- Cuối cùng, bạn đổ hỗn hợp nước đường vừa làm xong vào âu bột bánh, sau đó trộn đều lên và bắt đầu nhào bột. Bạn cần nhào đều cho đến khi các nguyên liệu hòa quyện đồng nhất vào nhau, tạo thành một khối.
Bước 4: Tạo hình bánh khảo bằng khuôn bánh
Như vậy là phần nhân và phần bột bánh đều đã chuẩn bị xong, việc còn lại là bạn dùng khuôn bánh để tạo thành hình. Với khuôn bánh đã chuẩn bị, bạn cho bột vào một nửa khuôn, nén chặt rồi lại cho một lớp nhân đậu xanh lên trên và thêm một lớp bột bánh nữa cho đầy khuôn. Bạn lại nén chặt nguyên liệu xuống để bánh được định hình đẹp mắt và vuông vức hơn.
Tiếp tục làm các bước như vậy cho đến khi đầy khuôn bánh và hết nguyên liệu. Sau đó đậy nắp khuôn lại trong vòng 30 – 40 phút là có thể lấy bánh ra.
Sau khi hoàn thành món bánh khảo, bạn có thể cắt nhỏ ra từng miếng, gói bằng giấy gói thành từng phong bánh màu sắc để làm quà biếu. Đây cũng là cách để bảo quản bánh khảo không bị ỉu, làm giảm đi độ ngon của bánh.
Thành phẩm
Món bánh khảo chất lượng là món bánh có mùi thơm của gạo nếp và hương hoa bưởi, hòa quyện với hương đậu xanh thơm lừng. Bánh có vị ngọt nhẹ, vừa phải để ăn không bị ngán. Mỗi miếng bánh được cắt vuông vức, nhìn thấy được 3 lớp chồng lên nhau. Phần bột bánh màu trắng tinh, phần nhân đậu xanh vàng ươm và thơm lừng rất hấp dẫn. Khi làm phải chú ý để phần nhân bánh và bột bánh dính chặt với nhau, không bị tách ra, cũng không bị gãy vụn, như vậy mới là thành công.
Món bánh khảo thường được người miền bắc dùng cùng với trà xanh. Nhâm nhi từng ngụm trà nóng, thưởng thức món bánh vừa ngọt vừa thơm là đúng điệu.
Discussion about this post