Bún mọc là món ăn rất phổ biến tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, với nguyên liệu tương tự các loại bún nước khác, bún mọc trở thành một lựa chọn tuyệt vời khi bạn ghé ngang một quán bún địa phương. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ cách tạo nên món ăn quen thuộc này. Hôm nay, bài viết sẽ hướng dẫn bạn làm những món bún mọc phù hợp với bữa ăn gia đình nhất.
Nguyên liệu nấu món bún mọc sườn non
Bún mọc sườn non là món bún mọc thường thấy nhất trong các hàng quán. Những nguyên liệu của món bún này thường được sử dụng hàng ngày nên rất quen thuộc và tiện cho các gia đình có thói quen mua nhiều thực phẩm.
Để lựa chọn xương ống heo ngon để nấu nước dùng đậm vị cần chú ý đến màu sắc của xương ống phải tươi mới, không có mùi hôi, không bị lạnh (vì có thể để lâu, ướp lạnh). Kích thước xương vừa phải, tầm 3 đốt ngón tay là heo đã vào độ ngon.
Có một bí quyết nữa là củ cải trắng sẽ giúp nước dùng ngọt thanh tự nhiên. Chọn củ cải vừa phải, thuôn dài, cuống mới. Nếu thích, có thể thêm chút sườn để tăng hương vị và nguyên liệu phong phú cho tô bún.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thành phần nguyên vật liệu, bạn hãy làm theo hướng dẫn các bước sau của Giavi.net để làm nên món bún mọc sườn non hợp khẩu vị của gia đình mình nhé!
Hướng dẫn chi tiết cách nấu bún mọc sườn non
Print RecipeNguyên Liệu
- 300 gram xương ống heo
- 100 gram củ cải trắng
- 1 kg bún tươi
- 200 gram chả lụa
- 20 gram thịt giò sống
- Măng khô
- 4 cái mộc nhĩ
- ¼ chén nấm hương khô
- Hành lá, hành tím, hành tây, rau mùi, tỏi băm
- Rau sống: Húng quế, tía tô, rau diếp dựa theo sở thích cả gia đình bạn
- Gia vị: muối, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
Hướng dẫn nấu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đối với xương, các bạn nên dành thời gian ngâm xương vào nước vo gạo có thêm chút muối và dấm hoặc chanh trong 1,5 đến 2 giờ để loại bỏ tạp chất và làm sạch máu rồi chần sơ qua với nước. Nếu bạn không có đủ thời gian, bạn có thể rửa sạch xương, và chỉ cần đem chần qua để khử tanh, loại bỏ tạp chất rồi rửa lại với nước. Tuy nhiên với cách này xương sẽ bớt ngọt nước hơn.
Trong lúc đợi ngâm xương, bạn sơ chế thịt chân giò. Đầu tiên bạn phải lọc, rút bỏ xương. Thịt chân giò sau đó rửa sạch, để ráo, ướp chút hạt tiêu, bột canh rồi cuộn tròn thành hình trụ và dùng chỉ hoặc lạt buộc cố định phần thịt chân giò.
Đối với mộc nhĩ, bạn ngâm trong nước cho nở rồi rửa sạch bằng nước vo gạo hoặc bạn có thể dùng muối bóp, rửa sạch cho hết mùi khô rồi thái nhỏ. Nấm hương khô cũng được ngâm nước nóng, rửa sạch rồi chia làm 2 phần: Một phần thái nhỏ để làm mọc và phần còn lại tỉa hoa rồi cho vào nồi nước dùng.
Bước 2: Nấu nước dùng thơm ngọt
Cho xương ống, thịt chân giò, sườn non vào nồi nước có đáy sâu, thêm một muỗng canh muối rồi đun sôi. Bạn chỉ cần thêm muối mà không cần thêm bất kỳ loại gia vị nào khác. Khi nước sôi thì bạn vớt bọt, hạ nhỏ lửa để ninh xương. Thỉnh thoảng bạn kiểm tra lượng nước và hớt bọt trên bề mặt để nồi nước dùng trong, không bị đục. Nếu nước cạn thì đong thêm nước.
Sau tầm 30 phút, bạn dùng đũa thử, nếu thấy chân giò không còn nước hồng tiết ra là đã chín (tùy thuộc vào kích cỡ to nhỏ của phần thịt chân giò). Vớt chân giò ra, cho vào nước đá có vài lát chanh có thể giúp thịt săn lại và giữ màu trắng tinh của thịt. Sau khi chân giò nguội, bạn lấy ra thấm khô và cho vào hộp kín cất tủ lạnh tầm 1,5 đến 2 tiếng để thịt săn chắc hơn và dễ dàng thái mỏng lát thịt.
Sau khi tiếp tục hầm 1 tiếng thì bạn thêm củ cải trắng, hành tây vào. Nếu bạn hầm xương sườn để ăn kèm thì nên vớt sườn ra vào lúc này. Sau đó bạn tiếp tục hầm khoảng 3 đến 4 tiếng tới khi phần thịt bám vào phần xương ống mềm ra là nước dùng đạt độ vừa ngon ngọt nhất. Nếu bạn hầm lâu hơn, nước dùng sẽ bị đục và chua. Vớt xương, củ cải và hành ra, lọc lấy phần nước dùng và thêm gia vị mắm muối, hạt nêm theo khẩu vị của gia đình mình.
=>> Xem thêm: Các tác dụng mà tổ Yến chưng đường phèn đem lại cho cơ thể
Bước 3: Nấu viên mọc và chuẩn bị các món ăn kèm
Cho giò sống, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, hành phi vào để bóp và trộn đều. Nắn từng viên mọc thả vào nồi nước dùng. Đun nước sôi đến khi mọc nổi lên thì đã chín. Bạn vớt ra và chuẩn bị nguyên liệu bỏ vào tô bún.
Măng khô ngâm nước vo gạo để qua đêm rồi rửa sạch đem luộc 2 đến 3 lần sau đó rửa sạch, vắt ráo và tước sợi dài mỏng vừa ăn. Phi thơm tỏi, cho măng khô vào xào chín, nêm nếm gia vị theo khẩu vị của gia đình. Múc ra đĩa và đợi thưởng thức.
Thịt chân giò để tủ lạnh đem ra thái mỏng vừa ăn. Rửa sạch rau sống, đem ngâm nước muối loãng rồi vẩy ráo nước. Bún chần sơ qua nước sôi để khử mùi chua.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Bạn xếp bún vào tô, thêm thịt chân giò, sườn non, mọc, măng khô, nấm hương, rắc ít hành lá cắt nhỏ rồi chan nước dùng nóng vào. Bạn có thể thêm hạt tiêu và vài khoanh ớt lên trên để tăng màu sắc món ăn.
Thưởng thức món bún mọc cùng với rau sống và thêm bớt gia vị tùy thích theo khẩu vị của mình. Nước dùng thanh trong, mọc giòn dai kết hợp với sợi bún mềm mại sẽ cho bạn một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời.
Kết luận
Vậy là bài viết đã hướng dẫn bạn công thức nấu ăn món bún mọc truyền thống cực kỳ ngon và thanh mát, phù hợp với thời tiết Việt Nam. Bạn không cần đi đâu xa để thưởng thức một tô bún mọc thơm ngọt, vậy thì hãy nhanh tay chuẩn bị những nguyên liệu và bắt tay vào chiêu đãi gia đình mình món bún mọc này nhé.
Discussion about this post