Bánh hồng là món ăn đặc sản của Bình Định mà du khách nào ghé qua cũng muốn thử một lần. Vị bánh ngọt vừa, lại dẻo dai, sần sật khiến nhiều người mê mẩn. Nếu bạn cũng là một fan của loại bánh này thì không cần phải đi đâu xa, bạn có thể tự thực hiện được ngay tại nhà. Bài viết sau đây Giavinet sẽ hướng dẫn bạn cách để tạo ra một món bánh hồng đặc sản thơm ngon.
Nguồn gốc, đặc điểm và hương vị của bánh hồng
Bánh hồng có xuất xứ từ tỉnh Bình Định. Món ăn này có hương vị thơm dẻo, hình dáng mũm mĩm và màu sắc trắng tinh khôi, đây cũng chính là nét đặc trưng riêng của vùng đất võ Bình Định. Sở dĩ có tên là bánh hồng bởi chúng ta hay thường thấy loại bánh này xuất hiện nhiều ở các dịp lễ hỏi, lễ cưới để minh chứng cho tình yêu mặn nồng của nhiều cặp đôi, đi kèm với thiệp hồng trong ngày cưới.
Do đó, bánh hồng cũng được người dân coi như điềm báo hỷ chung vui với niềm hạnh phúc. Người dân Bình Định từ xưa đã truyền tai nhau câu hỏi cửa miệng thân thuộc “Khi nào cho tôi được ăn bánh hồng?” Ý nghĩa là nhắc khéo đến việc lập gia đình của những chàng trai hay cô gái trẻ tuổi.
>>> Xem thêm: Mẹo làm bánh phục linh cốt dừa lá dứa thơm ngon đúng điệu – Gia Vị Cho Bữa Cơm Gia Đình Bạn
Gạo nếp, dừa và đường cát là 3 nguyên liệu chính hình thành nên món bánh nổi tiếng này. Được gọi là bánh hồng nhưng bánh chỉ có màu trắng từ bên trong ruột ra tới bên ngoài, mỗi tấm bánh thường có bản to và dày tầm 2 – 3cm. Bánh hồng khá dẻo nhờ từ bột nếp, mùi thơm của dừa, có vị ngọt, lại mịn màng từ trong ra ngoài nên khi cắt sẽ được áo thêm lớp bột nếp khô trắng bên ngoài đặc biệt gây ấn tượng với những ai lần đầu dùng.
Một vài lưu ý khi làm bánh hồng
Bình Định là xứ dừa tươi nên có rất nhiều loại đặc sản được làm từ dừa, bánh hồng cũng là một trong số đó. Loại bánh này là sự kết hợp giữa gạo nếp, dừa tươi và đường mà tạo nên. Món bánh này là món ăn truyền thống của người dân Bình Định, tuy đơn giản, mộc mạc nhưng cũng thể hiện được sự khéo léo và chỉnh chu của người làm bánh.
Để có những miếng bánh thơm ngon và chất lượng nhất, bạn cần chú ý một vài điều như sau:
- Bánh hồng chuẩn Bình Định phải được làm từ nếp ngự, vì nó sẽ dẻo và thơm hơn các loại nếp khác.
- Khi nhồi bột làm bánh thì cần cân chỉnh lượng nước vừa phải, có thể thêm từ từ vào. Không được thêm quá nhiều sẽ làm nhão bột, làm bánh mất ngon.
- Khi rang bột năng, để biết được liệu bột đã chín hay chưa thì bạn có thể nhìn vào lá dứa. Rang đến khi lá dứa khô và giòn thì tức là bột cũng chín rồi. Hoặc cũng có thể thử bằng cách nếm bột, nếu bột đã chín thì sẽ tan từ từ trong miệng.
- Khi sên dừa, vì có nhiều đường nên rất dễ cháy, bạn cần để lửa thật nhỏ và sên đều tay. Nếu cảm thấy gần bị cháy thì có thể thêm một ít nước và sên cho đến khi khô lại.
>>> TÌm hiểu thêm: Làm hến xúc bánh đa cay ngọt giòn rụm đổi vị cuối tuần – Gia Vị Cho Bữa Cơm Gia Đình Bạn
Bánh hồng có thể ăn kèm khi uống nước trà, sẽ giúp giảm đi độ ngọt của bánh. Đồng thời, nước trà có vị thanh ngọt cùng mùi thơm dễ chịu sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo.
Tổng kết
Với những hướng dẫn trên, tin chắc là bạn có thể tự làm được món bánh hồng tại nhà một cách thuận lợi. Đây là món ăn giản dị nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ của người làm. Trong những bữa tiệc nhỏ với người thân và bạn bè, bánh hồng cũng là một sự lựa chọn khá hoàn hảo.
Hướng dẫn làm bánh hồng Bình Định với 5 bước đơn giản
Print RecipeNguyên Liệu
- 1 kg nếp ngự
- 140 gam bột năng
- 1kg đường cát
- 400 gam dừa nạo hay dừa già
- Vài chiếc lá dứa (2-3 lá)
- 1,2 lít nước lọc
Hướng dẫn nấu
Quy trình thực hiện để làm ra món bánh hồng cũng không quá khó khăn, chỉ cần bạn tham khảo qua các bước hướng dẫn dưới đây là có thể tự tin làm được rồi.
Bước 1: Tiến hành xay bột và nhồi bột nếp
Để có được bột làm bánh thì bạn phải xay nếp ra trước. Bạn chuẩn bị một túi vải mỏng để bọc thau hoặc chậu nhỏ và xay nếp ra. Trước khi xay thì bạn phải ngâm nếp qua đêm hoặc tầm khoảng 8 tiếng để hạt nếp nở và mềm ra. Cho vào máy xay với một ít nước lọc, sau khi xay xong thì cho vào túi vải và ép hết phần nước ra, còn lại phần xác rồi để ráo trong khoảng 3 tiếng.
Đợi cho phần bột xay đã khô ráo rồi thì bạn tiếp tục cho một ít nước vào để nhồi bột. Nhồi cho đến khi bột có độ dẻo vừa phải thì ngưng.
Bước 2: Rang bột năng để phủ lên bánh
Vì bánh hồng rất dễ dính nên cần một lớp bột năng phủ bên ngoài giúp cho việc cắt bánh dễ dàng hơn, không bị dính vào nhau.
Bạn cho 140 gam bột năng vào chảo và rang đều, cho cùng với lá dứa để có mùi thơm. Khi rang thì dùng lửa nhỏ liu riu để không làm cháy bột. Khi bột chín thì tắt bếp.
Bước 3: Sên phần dừa tươi
Bạn cho phần dừa tươi và 300 gam đường đã chuẩn bị sẵn vào một cái tô hay cái nồi để ngâm trong khoảng 30 phút cho dừa thấm ngọt, khi đó những miếng dừa cũng sẽ trong hơn. Ngâm xong thì bắt chảo lên rồi cho vào sên. Khi sên cũng vặn lửa nhỏ cho đến khi nhìn thấy dừa có màu trắng trong hoàn toàn thì có thể tắt bếp.
Bước 4: Bắt đầu nấu bánh hồng
Quy trình nấu bánh hồng trước hết là bạn cho đun sôi 1,2 lít nước lọc rồi cho 700 gam đường còn lại vào, khuấy đều cho đến khi đường tan hết.
Tiếp theo, bạn nắn phần bột đã chuẩn bị thành từng miếng nhỏ và dẹt, rồi thả vào nồi nước đang sôi. Sau khi cho hết bột vào thì bạn dằm chúng ra và đánh bột từ từ, đều tay cho đến khi chúng trộn lẫn vào nhau và hòa quyện lại tạo thành một miếng bột lớn.
Khi đó bạn tiếp tục cho phần dừa đã sên vào và trộn đều liên tục, đến khi nào thấy phần bột không bị dính vào nồi nữa thì tắt bếp là vừa.
Bước 5: Tạo hình cho bánh hồng bằng khuôn
Bạn chuẩn bị một cái khuôn hình dạng tùy thích để cho bột ra, sau đó ép chặt bột vào khuôn để tạo hình. Để bột không bị dính thì bạn rải lên bên ngoài một lớp bột năng đã rang xong. Tiếp theo là chờ cho bánh nguội và định hình trong chiếc khuôn.
Lúc này bạn có thể cắt bánh ra thành từng miếng nhỏ tùy ý và bắt đầu thưởng thức được rồi.
Các bước làm trên không quá khó, tuy nhiên đòi hỏi bạn phải dành khá nhiều thời gian cũng như sự chuẩn bị. Nhưng nếu yêu thích món bánh này thì bạn hoàn toàn có thể tự làm được.
Discussion about this post