Cây cúc tần là loài cây dễ sống thường mọc hoang dại thành từng bụi, khóm ở ven đường. Trong Đông Y loại cây này là bài thuốc quý chữa được rất nhiều bệnh có ích cho sức khỏe của con người. Ngoài ra đây cũng là loại gia vị được dùng để chế biến món ăn được ưa chuộng rất nhiều.
Giới thiệu cây cúc tần
Cây cúc tần có tên tiếng Anh là Pluchea indica, là một loài thực vật có hoa trong họ Aster, Asteraceae. Nó còn có tên gọi khác như cây từ bi, lức…
Nguồn gốc của cây cúc tần ở châu Á và Châu Úc, phổ biến ở quần đảo Thái Bình Dương. Cây thường mọc trong môi trường sống ven biển như đầm lầy, rừng ngập mặn.
Cây cúc tần có thể sử dụng cả cây để làm thuốc (lá, cành, rễ).
Theo y học cổ truyền, cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Công dụng tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá. Thường dùng chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, chấn thương,…
Xem thêm: Cây cúc tần Ấn Độ
Đặc điểm tự nhiên cây cúc tần
Lá cây cúc tần
Lá cây có gân hình bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, có răng cưa ở mép, mặt dưới có lông mịn, phiến dài 4 – 5cm, rộng 1 – 2,5cm. Ở ngọn có cụm hoa mọc thành ngù.
Thân
Cây cúc tần có thân cây nhỏ, chiều cao 2 – 3m, cành gầy, lúc đầu có phủ lông, sau nhẵn.
Hoa
Hoa hình đầu có cuống ngắn, màu tím nhạt, nhóm họp thành 2 – 3 cái. Lá bắc 4 – 5 dãy, hoa lưỡng tính nhiều. Mào lông màu trắng bẩn. Tràng hoa cái mảnh, 4 răng nhỏ. Tràng hoa lưỡng tính phình to ở đỉnh, có 5 thùy. Nhị 5, bao phấn có tai, hình dùi, bầu hơi có lông.
Quả
Quả cây cúc tần bé hình trụ – thoi, 10 cạnh. Vào tháng 12 là mùa ra hoa và quả của Cúc tần. Tơ hồng mọc và sống nhờ trên thân cây.
Cây cúc tần mọc ở đâu?
Khi du nhập vào Việt Nam, cây cúc tần thường mọc hoang ở vùng đồng bằng, tại các sườn đồi núi thấp và thường được sử dụng chủ yếu để làm hàng rào chắn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại cây này được sử dụng rất nhiều để làm thảo dược, dược liệu trong các bài thuốc chữa bệnh nên được nuôi trồng khá nhiều, thậm chí trồng theo quy mô lớn.
Cây cúc tần Việt Nam phát triển chủ yếu ở khu vực đồng bằng các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất là ở Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Hoà Bình…
Bộ phận sử dụng, thu hoạch, chế biến
Mọi bộ phận của cúc tần đều có thể sử dụng, bao gồm rễ, lá cây và thân ngọn. Loại cây này có sức sống mãnh liệt, sinh trưởng tươi tốt và có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, để làm thuốc thì tốt nhất nên thu hoạch vào mùa hè và thu.
Cây thuốc cúc tần có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc dạng sấy khô đều có dược tính như nhau. Cách bào chế dược liệu như sau:
– Dược liệu tươi: Thu hoạch vào sáng sớm, rửa sạch nhiều lần cho hết bụi đất, hoá chất, tạp chất nếu có. Để nguyên toàn bộ cây và sử dụng tuỳ ý. Khi dùng tươi lâu ngày nên bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
– Dược liệu khô: Cúc tần sau khi thu hoạch, rửa sạch và để ráo nước. Cắt thành từng đoạn khoảng 3 – 5cm rồi phơi hoặc sấy cho đến khi khô hoàn toàn. Bảo quản trong túi đóng kín, ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc và mối mọt.
Thành phần hóa học chính của Cây cúc tần
Các chất có trong cúc tần bao gồm axit chlorogenic và tinh dầu. Thành phần của lá tươi bao gồm protid (5,7%), vitamin C (15mg), lipid (1%), carotene (4,6mg), xenlulo (5,1), P (2,3%), Tro (2,3%), Ca (197 mg%), Fe (5mg).
Cây cúc tần chữa bệnh gì? 9 bài thuốc đi kèm
Tăng cường hệ tiêu hóa
Theo các chuyên gia nghiên cứu, thành phần chính trong cây cúc tần chủ yếu là acid chlorogenic, tinh dầu, lá cây chứa 2,9% protein. Do đó, cây cúc tần giúp tăng cường hệ tiêu hóa, kích thích ăn ngon miệng và hấp thụ tốt.
Để có thể giúp tăng cường tiêu hóa bằng cúc tần, sau mỗi bữa ăn, người bệnh hái một nắm lá cúc tần tươi, rửa sạch và ăn sống.
Chữa cảm và sốt
Khi bạn bị cảm thì dùng 2 nắm lá cúc tần, 1 nắm lá sả, 1 nắm lá chanh để nấu nước uống, cùng với đó là xông để mồ hôi ra sẽ khỏe hơn,…
Cải thiện triệu chứng bệnh viêm khí quản
Sơ chế nguyên liệu: 20 gram cúc tần già, rửa sạch và băm nhỏ. Gạo 2 nắm vo sạch, 3gram gừng đã được thái nhỏ cùng với 50 gram thịt lợn nạc đã băm nhuyễn.
Đem tất cả các nguyên liệu nêu trên nấu cháo cho chín nhừ. Cháo chín, người bệnh nên ăn nóng vào lúc đói. Mỗi ngày ăn 3 lần và ăn liên tục 3 ngày sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
Cây cúc tần có tác dụng lợi tiểu, bổ thận
Tăng cường chức năng của thận, giúp cải thiện các bệnh về đường tiết niệu như: bí tiểu, tiểu rắt, tiểu đau rát,… Bằng cách sử dụng 40g lá cúc tần khô hoặc 100 gram tươi đun sôi với nước và uống hàng ngày.
Giảm chấn thương, vết bầm tím
Dùng lá cúc tần tươi, giã nát và đắp lên vùng bị thương hoặc bầm để giúp vết thương mau lành hơn.
Giúp giảm stress căng thẳng
Sử dụng 50 gram cúc tần với 50 gram hoa cúc trắng, 100 gram óc lợn và 100 gram đu đủ vừa chín tới hầm canh. Đầu tiên, người bệnh cho cúc tần, đu đủ và hoa cúc trắng đun sôi với 1 lít nước sôi. Tiếp đó, cho óc lợn vào đun thêm 20 phút cho nhừ. Ăn nóng trước bữa cơm chính. Mỗi ngày nên ăn 2 lần. Áp dụng liên tục trong 1 tuần, căng thẳng, stress sẽ biến mất.
Điều trị hen suyễn
Sử dụng 1 bó rau cúc tần cùng với 1 bó rau muống đem dựng vào chỗ mát. Tiếp đó, nhặt lấy phần ngọn, cả lá non và già đem rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng. Cuối cùng, giã nát và lọc lấy nước cốt. Uống nước này liên tục trong vòng 100 ngày.
Điều trị bệnh trĩ
Lá cúc tần, lá ngải cứu, lá sung và lá lốt, mỗi thứ một nắm cùng với một vài lát nghệ. Nấu nước rồi dùng nước xông hậu môn khoảng 15 phút. Sau khi nước còn ấm, bệnh nhân có thể ngâm trực tiếp 10 – 15 phút rồi lau khô lại bằng khăn mềm. Trong trường hợp trĩ nhẹ, kiên trì thực hiện bài thuốc này 2 – 3 lần mỗi tuần và sau 2 tháng, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể.
Điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp và gai cột sống
Sử dụng 15 – 20 gram rễ cây cúc tần, rửa sạch và sắc nước uống. Bên cạnh đó, người bệnh có thể phối trộn cúc tần với rễ cây bưởi bung, rễ trinh nữ mỗi vị 20 gram và cam thảo dây, đinh lăng mỗi vị 10 gram. Sắc thuốc và uống liên tục trong 5 – 7 ngày.
6 món ăn từ cây cúc tần ngon và nhiều dinh dưỡng
Lá cúc tần không chỉ là những bài thuốc hay có tác dụng chữa bệnh hiệu quả mà còn được sử dụng như món gia vị phổ biến trong các món ăn của người Việt. Các món ăn nấu kèm với lá cúc tần vừa tốt cho sức khỏe, vừa tăng thêm độ ngon cho món ăn. Một số món chế biến từ lá cúc tần như:
Lá cúc tần xào trứng
Lá cúc tần xào trứng là món ăn rất độc đáo, cúc tần chỉ nhặt lấy lá, rửa sạch rồi thái nhỏ. Sau đó trộn cùng với bột, trứng, ít gia vị và nước thành hỗn hợp đặc sệt là có thể mang đi xào chín rồi nhé!
Cá kho lá cúc tần
Cá cúc tần được dùng để kho với cả ở các vùng quê Việt Nam trước đây, xếp lớp lá cúc tần xuống dưới đáy nồi để cá lên trên.
Mùi lá cúc tần khi kho cá sẽ mang đến hương vị quen thuộc, thơm đậm đà, cùng với đó vị đắng sẽ làm món cá trở nên ngon hơn tạo hương vị rất riêng.
Bánh nếp cúc tần
Bạn cần chuẩn bị bột gạo nếp, lá cúc tần, muối, đậu xanh, thịt nạc, mộc nhĩ, hành.
Thao tác chế biến bạn thực hiện như sau: lá cúc tần một nắm rửa sạch, giã nhuyễn đem trộn cùng bột gạo nếp, muối tinh rồi vật bột cho dẻo, nặn thành từng viên hình tròn, cho nhân vào giữa, bọc lại.
Nhân bánh có 2 loại ngọt (có đường) và mặn (có thịt). Bánh có thể để dạng tròn hoặc dẹt. Đem đi hấp đến khi bánh dẻo, thơm mềm là có thể thưởng thức được rồi.
Cháo thịt lợn lá cúc tần
Đây là món dành cho những người ốm, người suy dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi sẽ rất tốt. Cách chế biến: nguyên liệu cần có là lá cúc tần (loại già), gạo, thịt lợn nạc băm nhuyễn, gừng tươi. Lá cúc tần rửa sạch, băm nhỏ. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo để nhỏ lửa cho cháo nhừ rồi nêm gia vị là bạn có thể dùng ngay (nên dùng khi cháo còn nóng).
Món này sẽ giúp cho người ốm đỡ mệt, bổ sung đề kháng, chất bổ cho người bệnh.
Nấu canh cúc tần bổ dưỡng
Não lợn, lá cúc tần, đu đủ, hoa cúc trắng, gia vị. Rửa sạch lá cúc tần. Hoa cúc trắng xé thành sợi nhỏ. Cho cúc tần, cúc trắng và đu đủ vào nồi với khoảng một lít nước, sôi được 15 phút thì cho não lợn vào, hầm kỹ trong 20 phút, nêm gia vị cho vừa rồi tắt bếp. Như vậy là đã có ngay một tô canh cúc tần thơm ngon bổ dưỡng.
Cây cúc tần làm dồi chó
Khi làm món dồi chó, trộn thêm vào nhân một ít lá cúc tần non, rửa sạch, thái nhỏ. Dồi chó có lá cúc tần sẽ có mùi vị thơm ngon đặc biệt, hấp dẫn.
Tổng kết về Cây cúc tần
Bài viết trên của Giavi đã chia sẻ tới độc giả tất cả những thông tin chi tiết nhất về loại cây cúc tần. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm cho mình được những thông tin bổ ích.
Discussion about this post